Sau khi thăm gia đình ở Đức, chúng tôi bắt đầu hành trình du ngoạn đường dài, theo dự định lái xe qua nước Áo (Austria) ở chơi đôi ngày rồi đến Venice thuộc nước Ý Đại Lợi.
Nước mới, thành phố mới, nơi nào tôi cũng háo hức để được ghé qua, dừng lại ngắm nghía, học hỏi; nhưng Venice khác hơn chút. Venice có một sức hấp dẫn; thu hút sự tò mò, hăm hở, mong đợi từ lâu với ao ước được đến. Có lẽ vì những lời đồn đãi, những “truyền thuyết”, thêm vào những hình ảnh, phim truyện tôi được xem qua, đọc qua nên càng thêm thích thú khi chuyến đi thật sự hình thành.
Từ thành phố Salzburg nước Áo, lái xe qua Venice khoảng 5 tiếng. Chúng tôi vừa lái xe vừa ngắm cảnh, tôi khư khư với chiếc máy ảnh, chạy ngang nơi nào thích là bấm ngay vài tấm. Xe chạy với tốc độ nhanh nên có khi được tấm ảnh đẹp, có lúc ảnh như mơ huyền (mờ). Chúng tôi (riêng tôi và “Đệ Tử” lần đầu tiên) được ngắm dãy núi Alps hùng vĩ tuyệt đẹp, tuyết phủ trắng xóa trên đỉnh núi cao ngất dầu thời tiết đã là tháng Tám.
Chạy một mạch đến biên giới là một hàng ngang khoảng 14-15 trạm thâu tiền đường xá (toll roads).
Qua biên giới, chúng tôi ngừng ở một tiệm bán đồ dùng cùng thức ăn cũng như nơi để đi vệ sinh cá nhân. Bước ra khỏi xe, mặt trời cùng sức nóng hực vào người. Cảm nhận cũng như nhìn khung cảnh chung quanh thật khác xa với đường đi và thời tiết ở Đức và Salzburg (Austria). Tôi phải đi mua áo len khi đến Đức và mặc áo len khi đến Áo. Nhìn quanh nơi biên giới, qua khỏi dãy Apls chỉ thấy đồng bằng với cỏ xanh tăm tắp đường chân trời.
Chạy một đỗi rồi cũng đến trạm phà qua Vennice. Ở đó có nơi đậu xe dài hạn, mình mua vé rồi đậu xe tự túc, quay lại bến phà để mua vé đến Venice. Venice có luật không cho xe hơi vào đảo nên đậu xe vài ngày ở đó cho đến khi rời Venice.
Ngồi trên phà nhìn Venice từ từ hiện ra trước mặt, thích thú làm sao. Trời đã ngả chiều, ánh sáng vàng làm sẫm thêm màu đỏ cam những viên gạch trên những kiến trúc cổ xưa dọc theo ven kênh. Phà cặp bến, San Giorgio Maggiore sừng sững ngay trước mặt với bốn cột trụ thẳng tắp và các tượng điêu khắc ở mặt tiền đều bằng cầm thạch trắng, đẹp quá!
Chúng tôi đặt phòng ở khách sạn Luna Baglioni, ngay sát ven kênh. Luna Baglioni thuộc hàng cung điện chín trăm năm xưa đổi thành khách sạn năm sao, nằm sát ven kênh, tàu taxi (water taxi) có thể đến tận cửa, và đối diện cửa chính là St Mark’s Basilica. Đem hành lý đến khách sạn, trời bắt đầu ngả tối, làm thủ tục giấp tờ xong, trong lúc chờ họ sửa soạn phòng, ai cũng đói bụng quay qua hỏi nhân viên khách sạn tìm nơi ăn tối. Quản lý khách sạn đưa chìa khoá và hướng dẫn chúng tôi đến nhà hàng Canova của khách sạn. May quá nhà hàng nằm trong khuôn viên của khách sạn nên rất thuận tiện cho chúng tôi, không phải đi bộ xa.
Trên xe cả ngày vừa mệt vừa đói bụng, không cần đi đâu xa, vào ngồi trong khung cảnh hữu tình ở nơi chốn tôi mong ước, bữa ăn tối sắp đến, có chi bằng nữa. Kỷ niệm và kinh nghiệm trải qua ở nhà hàng Canova có một hai điều làm chúng tôi cứ khúc khích cười với nhau mỗi khi nhắc lại và nhớ đến.
Ngồi xuống chúng tôi mới chụp một hai tấm ảnh làm kỷ niệm thì người phục vụ bàn mang khăn ướt và nước ra để mình rửa tay, lau mặt nếu muốn, nhất là đi đường xa mới đến như chúng tôi. Đệ tử đi cả ngày vừa đói bụng vừa khát nước, định bê tô nước lên uống, may Bố ngăn kịp. Ở mỗi bàn ăn đều có người phục vụ riêng đứng tại bàn suốt buổi. Anh phục vụ của chúng tôi rất tận tình chu đáo, chỉ là thức ăn phải đợi khá lâu nhà bếp mới đưa đến. Chưa kịp lấy dao nĩa, cu tý nhà ni đã bốc lủm. Bố Mẹ cùng bật cười với sự ngây thơ cùng bản tính “sinh tồn” cấp kỳ của con nít. Tôi nhá ngay một tấm candid rồi vội vàng đưa nĩa cho con dùng. Đây là lần đầu tiên cu cậu ăn bốc spaghetti như vậy, vì tất nhiên chúng tôi chỉ dạy cách ăn uống cho con từ lúc con biết cầm thìa, nĩa. Anh chàng làm chúng tôi nghĩ đến cảnh trong những phim hài hước, cũng có những cảnh “nhà quê lên tỉnh” như cu tý nhà ni làm lúc đó. :)).
Tôi nhớ những món khai vị khá ngon, nhưng thức ăn chính (không nhớ nổi món gì) cũng vừa miệng nhưng không xuất sắc lắm, có điều cách trình bày trên đĩa rất đẹp. Ăn chi thì ăn, món cuối luôn là kem tráng miệng. Chàng tuổi trẻ tí hon nhà ni mê kem từ bé cho đến giờ vẫn mê. Đi bất cứ nơi đâu cũng tìm cho được nơi bán kem để nhâm nhi.
Dầu cả dãy bàn chỉ có một gia đình chúng tôi ở đó nhưng tôi không chụp ảnh nhiều. Lý do vì cả nhà còn bơ phờ mặt mũi quần áo vì đường dài, hai là tôi ngại vì có anh phục vụ đứng kề bên. Thuở đó, 20 năm về trước, khi mọi người còn dùng máy chụp ảnh cồng kềnh chứ không phải thời nay với điện thoại cầm tay, gọn gàng, hầu như ai cũng thích và chụp ảnh mọi nơi mọi lúc dễ dàng hơn. (Thật ra thuở đó hay bây giờ, tôi vẫn thích dùng máy ảnh hơn là điện thoại để chụp hình).
Sau nửa buổi ăn, tôi nháy mắt với Chàng và liếc nhẹ sang anh phục vụ, Chàng khẽ khàng cảm ơn anh phục vụ và cho biết chúng tôi có thể tự rót rượu cũng như tự túc ăn uống để anh đi vào trong. Thật sự dầu thích có người sẵn sàng phục vụ những gì mình cần ngay, nhưng chúng tôi thấy thoải mái hơn khi người phục vụ không có mặt suốt buổi ăn.
À, tôi nhớ ra một chuyện vui nữa là chúng tôi tặng anh phục vụ bàn những ba lần. Ở Âu châu, nhà hàng nào cũng để sẵn số tiền tiếp, chúng tôi quên và tặng thêm lần thứ hai. Về phòng sửa soạn cho buổi đi dạo tối, chúng tôi lại bán tín bán nghi không biết mình đã để tiền tiếp chưa vì tôi để tiền mặt. Thế là chàng Sư Phụ của tôi lật đật đi xuống nhà hàng gửi anh phục vụ lần nữa. Mãi sau đó mới nhớ mình đã làm như vậy ba lần.
Cách xếp đặt khách trong nhà hàng giông giống cách của nhà hàng Coast Grill ở Big Island-Hawaii, nơi chúng tôi ghé mỗi lần qua đó. Họ không bao giờ xếp khách đầy nghẹt hết nhà hàng mà chỉ khoảng phân nửa và mỗi nhóm khách ngồi cách xa nhau mấy bàn để khách có thể trò chuyện thoải mái nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi rất thích cách chiêu đãi như vậy vì không thích sự ồn ào đông đúc khi đi ăn ngoài nếu có thể.
Nhà hàng và khách sạn Luna Baglioni, nhất là ballroom trang trí theo kiểu cổ điển xưa của thế kỷ 17. Trần của ballroom lộng lẫy với tranh nguyên thủy của một học trò của hoạ sĩ Giovanni Battista Tiepolo theo phong cách Baroque đến kiểu Rococo. Khi nhớ lại thú thật tôi tiếc đã không chụp chi tiết những trang trí của khách sạn lộng lẫy này, thuở đó như tôi nói, máy hình cồng kềnh và tôi ít có nghĩ đến việc chụp ảnh chi tiết như bây giờ. Một lý do nữa có lẽ lúc đó tôi luôn bận rộn với con nhỏ.
Ăn tối xong, đi dạo một vòng ngắn đã thấm mệt, chúng tôi trở về khách sạn ngủ một giấc dài. Buổi sáng chúng tôi được đánh thức bằng những ồn ào xa xa, bước ra ban công ngó ra phía sau khách sạn là con hẽm nhỏ đã đầy nghẹt người qua lại như các hẽm nhỏ trong Venice. Dậy nhé, trưa trời trưa trật rồi đó. Chuẩn bị xong mọi thứ, mình đi ngắm và tìm hiểu về Venice nha.
Venice hình thành từ 100 hòn đảo nhỏ nối kết với nhau bằng những chiếc cầu xinh xinh. Đi dạo ở Venice thuận tiện nhất là đi bộ. Muốn dùng water taxi đi vòng vòng trong mấy con kênh cũng được nhưng giá cả rất đắt. Thả bộ ra trước cửa khách sạn là trung tâm của khách du lịch, St. Mark’s Square. Dầu không chen vai nhưng cũng thật đông người đi dạo ở đây và đa số là cho chim bồ câu ăn. Người bán, người mua, đông nghẹt khoảng sân rộng có vài chiếc xe bán dạo những món quà kỷ niệm cùng thức ăn cho chim bồ câu. Bồ câu ở đây theo thói quen được cho ăn nên rất dạn dĩ, không ngại ngần bay đậu lên người của khách cho thức ăn. Chúng tôi cũng không khác, rất thích thú với những cô cậu bồ câu hám ăn đến xin thức ăn trên cánh tay mình; nhất là cậu tí hon nhà ni.
Rời St. Mark’s Square, đi lòng vòng qua các hẽm nhỏ, ngắm nhìn đủ thứ, đặc biệt ở các tiệm bán qùa kỷ niệm, người ta trưng bày rất nhiều mặt nạ thật đẹp. Truyền thống ở đây vào tháng Hai mỗi năm đều có lễ hội mặt nạ hoá trang nổi tiếng thế giới. Người tham dự đều đeo mặt nạ và mặt quần áo thời xưa cổ thời Phục Hưng (Renaissance or Baroque).
Chúng tôi đi bộ khá lâu, ra tận cầu nổi tiếng của Venice, Rialto bridge, trên con kênh lớn nhất. Đứng ngắm tàu phà chạy qua lại, nhà cửa, hàng quán vòng theo bờ kênh trong ánh nắng, gió hiu hiu, khung cảnh với màu sắc hài hòa rất đẹp và thơ mộng như những bức tranh nổi tiếng tôi đã được ngắm. Nghe Đệ Tử than mỏi chân, Bố đề nghị mướn chiếc gondola đi hóng gió chút cho đỡ mỏi, chịu liền!
Hai Bố Con chọn chiếc thuyền rộng có ghế hình trái tim màu đỏ rực, bảo là “cho tình tứ mới hợp với khung cảnh của Venice”. Tôi đùa “sến nha”.
Tí Hon thích ơi thích được chễm chệ trên gondola, mặt cứ nhởn nhơ ra phết, ngó bên trái rồi bên phải, hỏi đủ thứ về Venice. Bố Mẹ cố gắng với chút kiến thức về hòn đảo này, giải thích trả lời cho con, hy vọng con sẽ nhớ. Ngồi trên thuyền chúng tôi cùng im lặng ngắm khung cảnh lãng mạn của Venice vòng quanh theo từng con kênh và góc nhìn khác hẵn khi đi bộ. Gió mát rượi, sóng vỗ êm êm, nghe anh chèo thuyền giải thích lịch sử, truyền thuyết về những tâm điểm qua các con kênh, những chiếc cầu, nhà thờ, quán ăn, rất thích thú.
Đi một vòng trở lại bến, chúng tôi thả bộ lại St Mark’s Square và tìm nơi ăn tối. Rất nhiều nhà hàng, quán ăn nằm chung quanh St Mark’s Square, chúng tôi chọn một nhà hàng nằm bên tay phải của St Mark Basilica có món cá ngon lắm, cậu nhỏ chỉ thích pizza và tất nhiên là món gelato (kem tiếng Ý) cho món tráng miệng. Vưa nhâm nhi, vừa nghe nhạc hoà tấu của các ban nhạc sống từ các nhà hàng nằm dọc theo hành lang của St Mark’s Square, thật tuyệt.
Lại hết một ngày tuyệt vời đáng nhớ cho kỷ niệm cả đời.
Hôm qua đi dạo ngang tháp chuông cũng ở St Mark’s Square, dự định sẽ lên đó xem hình dáng Venice từ trên cao, nhưng đông người quá thể. Sáng nay thức sớm hơn, nơi dạo đầu tiên là tháp chuông, từ khách sạn đi ra đó chừng vài phút. Cảnh Venice từ trên cao nhìn xuống thật đẹp mắt một cách ngọan mục. Xa xa là đảo Burano, nghe nói những ngôi nhà nơi đó rất đặc biệt với màu sắc sặc sở (nghĩ bụng thể nào mình cũng qua đó ngắm).
Đứng đây nhìn qua ống viễn kính thấy vui lắm trong lòng khi nghĩ mình may mắn, đứng chung nơi nhà thiên văn học-vật lý học và kỹ sư Galileo từng đứng nơi đây giới thiệu chiếc viễn kính của ông cho Venice biết. Kiến trúc của Venice theo phong cách Gothic với những mái vòm nhọn, tháp nhọn, đồ đá và kính nhiều màu sắc rực rỡ với những mái ngói đỏ cam. Từ trên cao nhìn xuống những ngôi nhà, những tầng nhà chen chúc sát nhau theo các con kênh, xa xa là biển rộng, thật đẹp.
Rời tháp chuông, đi dạo thêm vào vòng nữa để ngắm Venice cho thoả, học và biết thêm nhiều điều về văn hoá, sinh hoạt nơi đây. Đi lòng vòng dọc theo hành lang dẫn đến cầu Rialto là chợ Rialto bán đủ thứ món đồ kỷ niệm cho đến thức ăn. Có những sạp buôn bán như khu chợ trời. Người mua người bán trả giá tới lui, khách du lịch chen chúc nhộn nhịp. Từ con đường lớn đến các hẽm nhỏ gần khu du lịch, nơi nào cũng thấy đông nghịt người. Dừng chân đôi bận trong các ngõ hẻm, những con hẽm nhỏ với nhà cửa hàng quán, làm tôi nhớ những con hẽm, con đường nhỏ ở Sài-Gòn. Loanh quanh chưa thỏa, trời lại sập tối. Đứng giữa chằng chịt những ngõ hẽm trong Venice, may có tấm bản đồ trên tay nên lần đường về được khách sạn không bị lạc vào ban đêm.
Dùng bữa cơm tối xong lại đi lòng vòng gần gần khách sạn, ngắm tiếp Venice về đêm. Chàng dừng chân mua bó hoa hồng của người bán dạo tặng Nàng. Các ban nhạc vẫn du dương, khách du lịch vẫn đông khắp nơi, ta bắt đầu thật thấm mệt, “ta tìm nơi vắng vẻ“. Dừng chân nơi một chiếc cầu có bến gondola, các chàng chèo thuyền cũng hết giờ chèo, ghé bến đứng trên cầu chào hỏi thân thiện. Ừ thì mình xin chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm nhé.
Ba ngày trôi qua ở một trong những khách sạn tôi thích rất thích, thành phố tôi yêu thích với những người yêu thương thích nhất của tôi, thật may mắn và hạnh phúc. Ngày rời Venice, trời mưa dầm và mù sương. Sắp xếp hành lý xong xuôi, hai Bố Con kiên nhẫn đứng chờ tôi trước cửa khách sạn. Cho Mẹ xin vài phút nán lại ngắm thêm Venice trong mưa qua ống kính máy ảnh, nhá vài tấm, Bố nhé, Con nhé.
Tạm biệt Venice trong tiếc nuối, mong có ngày được gặp lại sẽ ngắm, sẽ thăm lâu hơn, nhiều hơn.
Bấm Vào Links Dưới Đây Để Xem Hình