Qua mồng Hai mà ở nhà quanh thành phố tôi ở là hết Tết, chung quanh đây chỉ có sương, có mây khói lãng đãng, có biển trùng khơi, và vỏn vẹn có hai gia đình người Việt Nam. Tôi “kéo” Tết thêm vài ngày với bánh mứt, với những lời giải thích, chỉ bảo cho con tôi về Tết.
Tôi không rành rẽ và cũng không theo dõi những chương trình Tết nên cứ tưởng hội chợ Tết chỉ có trong cuối tuần rồi, ba mươi-mồng Một, trò chuyện với chị bạn thân mới biết cuối tuần này, ngày hạ nêu, mồng Bẩy, cũng có hội chợ. Thư từ, điện thoại qua lại, thế là có một cuộc hẹn hò đầy hứa hẹn ở hội chợ Tết dưới San Diego do hội sinh viên ở đó tổ chức. Hẹn xong, xem tin tức mới biết là sẽ có mưa trong mấy ngày hội chợ. Đã hẹn rồi, và tôi cũng muốn cả phái đoàn của tôi đi hội chợ Tết cho đủ màn “ăn Tết” năm nay nên cứ tiếp tục chương trình, mưa thì tính sau.
Chợ Tết trong kuôn viêng chợ Phước Lộc Thọ ở Little Saigon của thành phố Westminster tiểu bang California
Tôi có dịp đi hội chợ Tết đôi lần từ lúc nhận xứ sở Cờ Hoa làm quê hương thứ hai.
Lần đầu là lần qua California tìm việc làm, Anh Chị của tôi dẫn tôi đi cho biết vì lúc đó nơi tôi cư ngụ, ở tiểu bang khác, rất ít người Việt. Cả ba thành phố nhập lại chỉ có mỗi một tiệm phở thì đừng nói đến chuyện đón Tết, ăn Tết, du xuân chi chi. Đi hội chợ lần đầu trong tâm trạng thất nghiệp, nhớ Sài Gòn, nhớ lung tung, lo đủ điều, tôi không tập trung xem gì được nhiều. Cảnh hội chợ cũng rất xôm tụ, áo dài xanh đỏ, có lân, có pháo, có văn nghệ rầm rộ, nhưng tôi không cảm thấy hứng thú để xem. Sự chán nản dâng đột ngột, đi chưa hết một vòng, tôi đòi về.
Bây giờ nghĩ lại thấy mình sao “hư” quá, được Anh Chị chịu khó chở đi xa để cho em út tìm lại hương vị Tết, cho tôi đỡ buồn, mà tôi chỉ nghĩ đến bản thân của mình!
Lần thứ hai, tôi đi với một cô bạn thân và nhóm bạn của cô ở thật xa bay đến. Thật ra hôm đó tôi chỉ dự định gặp nhau ăn buổi ăn trưa, đi lòng vòng tán dóc nhưng cuối cùng bị “bắt cóc”, bị “dụ khị”, nên dầu không chuẩn bị, tôi cũng theo phái đoàn đi xem cho biết.
Lần đó cũng không đi hết một vòng hội chợ vì trời mưa, giày dép lún đất sình nên cả nhóm đi xem có vài gian hàng rồi đi về. Tội nghiệp những người có gian hàng trong hội chợ, mưa lớn nên đất bị mềm, có phần đất còn bị sình lầy lội, họ phải bõ công trải biết bao nhiêu tấm nylon lớn trên cỏ, trên đất cho khách du xuân đi đỡ bị dơ và bị lún gót dày. Cũng may là người đi hội chợ khá đông chứ không chắc những người có gian hàng bán buôn sẽ lỗ lã dữ lắm.
Hội chợ trông khá lớn, rất nhiều gian hàng bày biện công phu với mầu sắc, cảnh trí thật Tết. Chỉ tiếc là chúng tôi không đi lâu hơn được để dạo hết cảnh hội chợ.
Dầu chỉ đi dạo trong khoảng thời gian ngắn, tôi vẫn có được niềm vui. Chúng tôi có kỷ niệm “ăn gian” ở gian hàng thi thơ, trèo tường, đu cổng sắt và được ăn cháo cá thật ngon. Kỷ niệm đẹp và vui, luôn đẹp. Tiếc rằng khi nhắc đến bát cháo cá ngọt ngào thì người nấu cháo đã rời nơi chốn cũ và đem theo nỗi buồn…
********************************
Sáng thức giấc trong Phố Biển mưa rào, rồi mưa nhè nhẹ, tôi xem tin thời tiết thấy San Diego đang nắng vàng, mây trắng, gọi chị bạn thì được cho biết trời đang đẹp lắm, chị bảo đi mau mau kẻo ông Trời đổi ý.
Tôi lại muốn điệu với áo dài. Chỉ có áo cũ ơi cũ, xưa ơi xưa mới vừa vặn, chiếc áo mới được tặng màu sắc cùng vải rất thanh nhã, knhưng kiểu vừa cổ tròn, vừa không nhấn eo, mặc vào hơi thùng thình ngay bụng. Nghĩ tới lui mà thèm mặc áo dài quá nên tôi mặc đại (ha, có áo được tặng còn xí xọn gì nữa đây chứ). Bước ra khỏi xe, gió thốc tà áo lụa làm tôi hơi rùng mình, mong là ở San Diego sẽ ấm hơn.
Chúng tôi đến nơi, trời đã ngả chiều, hẹn đi vào buổi chiều để tôi có thể gặp chị bạn vì chị chỉ có thể đi hội chợ vào khoảng thời gian nhất định. Trời hanh hanh nắng, có chút gió đủ làm tà áo lụa của tô bay nhè nhẹ nhưng không lạnh đến phải khoác áo ấm. Ông Trời thương, đãi ngộ nên chỉ đổ mưa có một chốc vào buổi sáng, và nắng ấm suốt để các hội đoàn tổ chức hội chợ Tết không phải vất vả hơn như những năm trước mưa liên tục nhằm dịp hội chợ khai trương. Được những ngày nắng đủ hồng da nên giữa tháng Hai mà các bà, các cô có thể điệu đàng làm dáng trong những tà áo dài thướt tha mỏng manh tơ lụa mà không sợ bị cảm lạnh.
Đi dưới trời chiều nắng Cali ấm tà áo lụa làm gợi nhớ nắng Sài Gòn da diết…
Khoảng đường ở hội chợ được cảnh sát trong vùng chặn lại hai ngả tư cho người đi hội chợ dễ dàng qua lại và có cảnh sát hướng dẫn sự giao thông nên rất thoải mái đi lại, không chen chúc. Lũ lượt từng đợt khách du xuân, dạo hội chợ, xếp hàng vào cửa. Không những chỉ có dân Việt Nam mà còn có khá đông dân hợp chủng quốc, Mỹ, Mễ, Tàu, Thái Lan. Tôi nghe tiếng nói mà đoán, chả phải là tôi giỏi ngoại ngữ đâu, nghe những người dân này nói tiếng bản xứ của họ vài lần trên tivi rồi đoán vậy mà.
Ở cửa hội chợ là các em sinh viên, mặc áo thun đồng phục đứng soát vé, tôi mua vé vào cửa rồi đi dạo trong khi chờ chị bạn đến. Phía bên ngoài không thấy gì đặc sắc, chỉ có một dãy trò chơi như ở các theme parks do người Mễ và Mỹ làm chủ quầy, xem chừng năm mười phút, chúng tôi đi vào phía trong, nơi có những gian hàng bày bán thức ăn, hoa, lịch, v.v… của người Việt.
Đi sâu cuối một góc có vài cảnh chùa, đền, cổng làng nho nhỏ, giàn hoa giấy, hoa đào, hoa mai làm bằng vải, được dựng lên trang trí, trông có vẽ công phu, dễ thương và gợi nhớ khung cảnh làng quê ở Việt Nam. Khi còn ở Việt Nam, tôi đã có những năm được kề cận làng quê, chạy nhảy thoải mái ở ruộng đồng, tắm sông, trèo cây, câu cá. Lúc trở lại Sài Gòn, tôi cũng nhớ cảnh thôn quê với nhà tranh, với vách đất, những hàng dừa, bờ ao, con đê, vườn trầu; nhưng lúc đó còn bé quá, khái niệm về cái đẹp của những nơi đó thật giản dị và mơ hồ. Không như bây giờ, nhìn cảnh trí gì gợi nhớ chút quê xưa cũng dễ làm tôi xúc động.
Một cảnh được dàn dựng đẹp và công phu của hội chợ Tết Sinh Viên San Diego
Đứng ké cảnh chụp vài tấm ảnh kỷ niệm rồi chúng tôi đi sâu hơn vào khoảng đất gần mấy cái sân khấu. Sân khấu thi hát coi bộ đông à nha. Tôi tiếc là không kịp chụp ảnh của một bác lên thi hát. Lúc đứng làm điệu chụp hình, tôi nghe giọng hát từ sân khấu vang lên khá to tuy không được hay cho lắm và bị “bể” ở vài nốt cao, tôi xoay người lại để xem thử tiếng hát xuất phát từ đâu thì mới biết đó là một bác (cô) tóc đã bạc phơ búi thành một búi, đeo kính lão, cầm microphone thi hát trong tinh thần “hát hay không bằng hay hát” bài “Thư Của Lính” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trông dáng vẻ trẻ trung nhún nhè nhẹ theo điệu nhạc, lời ca, tôi đoán có lẽ bác đã có một thời là người yêu của lính, hoặc cũng có tình yêu rất lãng mạn nên ngần đó tuổi vẫn vui với xuân, vẫn tình với nhạc mà không ngại ngần đem tiếng hát của mình “đãi” thiên hạ ngày Tết. Tôi cầu chúc cho bác được thắng giải.
Còn đứng lấn quấn nghe nhạc, chị bạn tôi đến. Chúng tôi lại chụp, lại chớp hình với người, với cảnh, rồi hội nhau đi nghe cùng ngắm hội chợ tiếp. Tôi ghé lại đứng nghe và ngắm “gà nhà”, ngắm đàn chị, các chị cựu nữ sinh Trưng Vương đang nhịp nhàng cùng các anh rể Trưng Vương hợp ca “Ly Rượu Mừng” trong áo tứ thân và khăn mỏ quạ. Chị nào trông cũng xinh xắn, tươi thắm như hoa xuân. Thật ra tôi biết được hai chị trong nhóm này qua một nhóm sinh hoạt văn thơ chung, nhưng hai chị không biết tôi. Vậy mình cứ “bí mật” chụp các chị vài tấm ảnh giữ làm kỷ niệm, có dịp sẽ đem khoe cho hai chị ngạc nhiên. Quay trở đi mới sực nhớ đã quên xem các anh chị bày hàng gì và cũng quên mua ủng hộ mà lỡ đi xa rồi.
Hàng lô-tô có lẽ là gian hàng tôi thấy vui nhộn nhất. Gian hàng có anh ca sĩ-lô tô, hát rất thiện nghệ. Anh đứng hát một hơi không ngưng nghỉ, từ bài này qua bài kia, thể điệu “lô-tô”, “con này là con gì đây, là con ba mươi sáu, ba mươi sáu cái xuân xanh”. Cứ thế mà hát, mà gõ nhịp lóc cóc với mấy thanh gỗ tre. Đứng cùng với anh là các chị mặc áo tứ thân phụ họa nhịp nhàng, không khí rất sôi động ở một góc. Tôi định đứng ở đấy lâu hơn nếu không có người níu tà áo (không phải để đề thơ) nhắc đi tiếp.
Gần đó có cả bàn cờ tướng rất to, đặt dưới đất; người chơi phải dùng thanh tre dài thượt đẩy quân cờ của mình. Tiếc là tôi chỉ biết đọc quân cờ, nhưng lại không biết nước đi nên có xem cũng mù tịt.
Đi một vòng, chúng tôi dừng lại ở sân khấu có những màn văn nghệ của ca sĩ địa phương, họ đã hát cả buổi sáng và vừa ngưng để ban tổ chức chuẩn bị cho tiết mục khác. Chương trình kế tiếp tối nay có cuộc thi hoa hậu sinh viên San Diego và ca nhạc của ca sĩ đương thời ở Califorinia.
Đứng loanh quanh trò chuyện, tôi đang đảo mắt một vòng và dừng lại nơi một gian lều cùng lúc với ánh mắt của con tôi cũng hướng về nơi đó và đặt câu hỏi.
– Mẹ ơi, có phải người ta trưng bày những sử kiện về lính thủy, tàu bè của Việt Nam không?
– Phải rồi
Tôi trả lời và nắm tay Học Trò bước lại gần gian lều đặt những hình ảnh của đức Trần Hưng Đạo, tướng Hoàng Cơ Minh, cùng hình ảnh của những chiếc chiến hạm của lính Việt Nam Cộng Hoà. Chiếc Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư. Kế bên là một gian trưng hình của các tướng đã tuẩn tiết vì cuộc chiến: Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú.
Mowgli (con tôi) vừa được dạy lễ Ông Bà, cúng Phật tuần rồi, thấy lư hương là hỏi ngay
– Sao lại có nhang cho mấy người trong hình vậy, Mẹ?
– Tại vì họ mất rồi, mình cúng những người đã qua đời, đã ở trên trời, trên thiên đàng đó
Con gật gù, đứng ngắm mấy tấm ảnh khá lâu rồi mới đi nơi khác. Tôi thật tình ngạc nhiên và không biết cậu học trò nhỏ của tôi nghĩ gì trong đầu lúc đó mà đã đứng ngắm nghía hai gian phòng có tính chất lịch sử để hỏi vài câu hỏi trên.
Tôi hỏi con trên đường về
– Sao con không ghé những gian hàng khác mà lại đến hai gian phòng đó để hỏi?
– Tại con thấy cách trưng bày rất “khác” và có vẻ “đặc biệt” giống như về lịch sử, nên con muốn xem và hỏi cho biết. Mà tại sao những người đó lại “chết trong vinh dự?”
Tôi giảng nghĩa cho Học Trò nhỏ của tôi bằng kiến thức hạn hẹp của mình, đủ để cho cậu nhỏ hiểu những cái chết của các tướng lãnh có mặt trên bàn thờ đó là cái chết trong vinh dự, hào hùng. Sự giải thích đơn giản đủ để cậu Học Trò Cưng hiểu và đủ để trong tôi có chút ngậm ngùi…
Anh Nam Lộc giới thiệu chương trình thi hoa hậu của các em sinh viên
Chờ thi hoa hậu và văn nghệ hơi lâu, chúng tôi lại đi dạo hội chợ tiếp, chơi vài trò chơi, trúng được hai món (sau khi nướng hơn 20 đồng chơi game :)). Giải trúng là con cá vàng (đang bơi tung tăng ngoài atrium bây giờ) và một con thú nhồi bông. Cậu học trò nhỏ của tôi có vẻ đói bụng và mệt, trời cũng đã tối sập, tôi đành quay trở lại phía sân khấu chia tay với chị bạn. Nói chia tay đi về ngay nhưng chân lại bước đến hàng ghế sát sân khấu ngồi lại với chị bạn một chốc để xem các cô bé thí sinh trong chương trình thi hoa hậu sinh viên San Diego. Trên sân khấu đang tiếp diễn với phần các cô bé tự giới thiệu về bản thân. Cô nào trông cũng xinh xắn tươi tắn như hoa xuân vừa hé nở. Có thí sinh nói tiếng Việt rất trôi chảy, có cô nói với giọng ngọng nghịu nhưng rất dễ thương với sự cố gắng phát âm cũng như dùng từ.
Chúng tôi bật cười khe khẽ khi nghe một cô bé mở lời chào khán giả
– Em tên là […]…… mong các cô chú, anh chị PHÙ HỘ cho em trúng tuyển
Gương mặt cô bé đỏ lên vì mắc cở và run, trông thấy thương hết sức.
Nghe và ngắm thêm vài cô bé thí sinh rất xinh và nói khá trôi chảy bằng tiếng Việt, tôi khen thì chị bạn bảo các cô đó vừa ở Việt Nam qua được một vài năm nên tiếng Việt rất giỏi. Thì ra là thế, nhưng mà vậy thì sao các em thí sinh khác thi đua được?
Nấn ná rồi cũng đến lúc ra về, tôi không ở lại xem hết chương trình, Mowgli đã rất kiên nhẫn đứng chờ nãy giờ.
Trời trở lạnh hơn buổi chiều rất nhiều, tôi khoác áo khoác vẫn không thoát cái hơi lạnh thấm vào tà áo gấm mỏng manh. Bước ra xe, lòng tôi thơ thới, và cả phái đoàn đều vui, chương trình hội chợ trong không khí thật Xuân. Cảm ơn những người bỏ công ra gầy dựng công phu từng chi tiết, tổ chức hội chợ, chúng tôi đâu có được những giây phút vui vẻ, thoải mái, và có không khí Tết mang theo về tận nhà.
Hôm nay đã qua rằm tháng Giêng ở Mỹ, những ngày Tết đã qua nhưng hương vị vẫn còn trong góc bánh chưng trong tủ và ở một góc nhà vẫn còn vàng rực những cánh mai bên lộc non xanh mướt. Ngày đầu năm khai bút đã qua hút gió mù khơi, và nếu tôi có khai bút có lẽ cũng không phải. Chỉ là khai tâm, khai trí, lóc cóc trên keyboard gõ lại những ngày đón Tết, ăn Tết, du xuân của tôi. Hai mươi sáu năm, tôi mới có một cái Tết gọi là Tết dẫu chỉ bằng một phần nhỏ của những người Việt khác ở Hải Ngoại, nhưng cũng đủ có chút gì để nhớ, và điều làm tôi vui, nghĩ đến Tết hơn mọi năm là vì Học Trò Cưng-Mowgli của tôi đã thích thú học hỏi về ngọn nguồn, phong tục Tết.
Ngày xưa đã xa thật xa, tôi làm sao tìm lại được cái gọi là “ngày xưa thân ái”. Tết của ngày xưa xa lắc xa lơ, chỉ còn trong tâm tưởng, thỉnh thoảng nhớ lại để tiếc nuối, để bùi ngùi và thời gian lại trôi. Dòng sông cũ đã bên bồi bên lở, con nước có thể đục hơn, có thể trong hơn, và đứng ở nơi cách một bờ đại dương, tôi làm sao tắm lại được dòng sông năm cũ. Tập bằng lòng với những điều ở trong tầm tay với, có lẽ lòng sẽ bình an hơn. Tôi tập bằng lòng với cái Tết rất riêng của tôi với niềm vui nho nhỏ.
Ngẫm cho cùng, Tết dầu không có bánh mứt, hoa mai hoa đào, nhưng lòng thấy Tết, vẫn có Tết. Năm nay tôi đã có được ba ngày Tết vui và nhẹ nhàng, thanh thản trong tâm hồn. Một chút vui cũng là vui, Chàng hay bảo tôi thế, tôi có được những ba ngày trọn vẹn, đâu dám đòi hỏi thêm gì nữa.
PTL
PhốBiển
Hội Chợ Tết, Tết Canh Dần 2010