Thương rất thương, tặng Chị tôi nhân ngày sinh nhật của Chị
Màu tím mộng mơ, màu tím thẩn thơ, màu tím dịu dàng trong tà áo lụa, màu tím nhẹ nhàng như áng mây chiều lãng đãng trôi. Màu tím Huế, tím hoàng gia, tím u sầu. Màu tím của hoa sim, tím hoa bằng lăng tím cà, tím của hoa păng-xê, tím nhạt, tím thẫm, tím than, tím bầm, tím xanh. …Ôi bao nhiêu là sắc trong chữ tím của một màu.
Cái thuở còn mặc quần ống thấp ống cao, xăn lên kéo xuống đi đánh lộn với lũ trẻ con hàng xóm; cái tuổi lên năm lên sáu, trèo cây, tắm sông, tôi chỉ biết cái mầu tím bầm chân cẳng, tím u trán vồ khi chạy xớn xác bang vào cột vào cây đâu đó để “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt” và sau đó là mếu máo khóc, bù lu bù loa khóc.
Không phải là tôi đã không bắt gặp màu tím khác thơ mộng hơn, tự nhiên hơn những vết bầm trên chân tay; có chứ, đó là màu tím của những hạt mồng tơi leo đầy giàn trong vườn nhà. Tôi cùng lũ trẻ bứt cả dây mồng tơi, hoặc tuốt mấy trái mồng tơi, đem bỏ vào chén dằm ra cho có nước màu tim tím. Mấy chị tôi lấy tô tô vẽ vẽ lên móng tay, còn tôi cứ bóp nhoét ra trong tay, thấy bẩn lại chùi đại vào quần áo. Mẹ của tôi dặn hoài cũng thế, đâu lại hoàn đấy khi tôi ra vườn sau nhà bứt lá, ngắt hoa, tuốt hột mồng tơi là có bộ quần áo lổ chỗ nhuộm màu tím thiên nhiên.
Lớn hơn chút nữa cũng chẳng đẹp đẽ chi cái màu tím trong đôi mắt nhìn của tôi. Chơi u nắm áo nhau giật tới giật lui, xô đẩy, không té bầm mông cũng tím tay vì những vết bấu từ tay của “kẻ thù”. Chơi nhảy dây có khá hơn đâu, trượt chân một cái chúi nhủi vào tên nhảy cặp đôi thì có mà đôi đầu tím cả hoàng hôn, “tím chiều hoang biền biệt” đi về nhà lầu bầu lẩu bẩu chứ nhảy gì nữa! Đến cái màn đá banh thì khỏi nói, không những tím chân mà còn sứt móng chân, bầm móng chân tím ngắt cả tuần lễ.
Ngoài màu tím bầm tím than ngả qua tím xanh của vết té, vết bấu trên thân thể, những năm học tiểu học đôi bàn tay nhỏ híu móng cắt gọn gàng của tôi tô điểm đây đó những giọt mực màu tím mồng tơi. Mặc dầu cố tình ở sạch cho đúng phép vệ sinh của nhà trường, cho đúng phép vệ sinh và cái đẹp của gia đình chỉ bảo cũng như bắt buộc, mấy ngón tay của bàn tay phải tôi hầu như không bao giờ sạch vết mực trừ lúc mới tắm xong.
Mực vây ra từ cán bút ngòi vuông, mực vây từ bình đựng mực, sạch lắm cũng có vết ố ở đốt đầu tiên của ngón tay giữa khi cầm bút gò nét. Tôi còn kỹ đến độ bỏ bình mực vào cái giỏ be bé xinh xinh làm bằng cái giỏ nhựa đỏ bọc bên ngoài của mấy chai canxi (calcium) màu trắng như sữa tôi uống mỗi ngày. Bên trong giỏ tôi còn lót một lớp vải rồi mới bỏ bình mực vào, thế mà mực vẫn vấy ra tay.
Tôi không biết mình có yêu thích màu tím lúc đó không, chỉ nhớ là trước khi nhập học, tôi cũng kén chọn loại mực, màu tím của mực, không đậm quá, không nhạt quá. Tôi thử đi thử lại với vài cái ngòi bút khác nhau. Mực vây ở đâu thì vây, tập vở của tôi không hề bị nhòe hay bị vấy giọt mực nào. Cuốn vở nào cũng thẳng tắp những hàng chữ ngay ngắn tim tím, nắn nót từng trang.
Ngày có kết quả thi đậu đệ thất ở Trưng Vương, tôi háo hức, mắt sáng rỡ, hãnh diện đưa hai tay trân trọng nhận món qùa thưởng từ ông Chú, cây bút máy mực xanh! Một bước ngoặc quan trọng, đánh dấu “tôi – đã trở thành người nhớn”. Tôi không còn là con bé con tóc đờ-mi, tóc uốn quăn quăn sát gáy, tóc bum bê ngắn ngủn không che khỏi gáy, một tay ôm cặp táp, một tay xách tòn teng bình mực mầu tím mồng tơi nữa.
Trong lúc tôi hãnh diện được làm người nhớn dùng mực xanh với bút máy bao nhiêu thì chị Cả của tôi lại ưa chuộng màu tím bấy nhiêu.
Ngoài bài vở chị bắt buộc phải dùng mực xanh ở trường, chị tôi thích dùng mực tím. Chị viết trong lưu bút (tôi xem lén từ phía sau qua vai chị) bằng mực tím. Cuốn thơ văn chi chi đó của chị mà tôi xem được chừng ba mươi giây, cũng được ghi ghi chép chép bằng mực tím. Chị ưng màu tím từ mực qua đến áo. Chị đã cùng hai người bạn học rất thân của chị hẹn nhau may mỗi người một chiếc áo dài lụa tơ màu tím, lúc đó tôi cứ tưởng chị ở trong cái hội nào đó cần mặc đồng phục vì mầu áo của trường Trưng Vương khi chị vào học là mầu khói lam. Có lần tôi buộc miệng hỏi “sao mấy chị mặc áo giống trong cô-nhi-viện quá vậy“. Thế là các chị cười ngất, bẹo cái má hãy còn phinh phính của tôi bảo “ừ, tụi chị sắp vào làm việc chung với ma-sơ đó“.
Không những mặc áo tím, chị tôi còn chọn cả lụa tím làm quai cho chiếc nón lá đội đi học mỗi ngày nữa chứ.
Màu tím cứ theo chị tôi cho đến lúc đôi mắt chị vương khói mây trời, chị ít nói lại càng ít nói hơn, chị thích viết văn, càng siêng viết hơn và những dòng chữ mềm mại kia không mang màu sắc nào khác hơn là mầu tim tím trên những tờ giấy mỏng bay ra tận tay của “chú” lính mang cánh sắt ngoài Đà Nẵng.
Những ngày tháng mộng mơ tím rịm của chị tôi tan theo mây trời xa thẳm khi Sài Gòn bị mất vào tay VC, mốc thời gian tím đen thui như củ khoai lang diên ngọc bị sùng, 1975. Màu tím của chị tôi nát vụn trong những bước chân rượt đuổi của đám công an ngoài chợ trời khi chiếc áo dài tím lụa là của chị theo ai đó đổi lại chút đỉnh tiền để mua gạo cho gia đình.
Màu tím của chị theo từng bữa chạy gạo, bán buôn cực nhọc, tan dần, nhạt dần hết sắc. Tôi lớn lên trong sự bất cần xã hội tối thui đầy VC, ngông nghênh lập dị yêu thích mầu đen,thêm một màu sáng sủa hơn chút là mầu xanh da trời. Tôi còn cố tình chê bai, “mấy nàng thích mầu tím toàn là bắt chước, a dua với nhau cho ra cái vẻ ta là con gái“.
Ôi, cái tính ngang tàng bướng bỉnh như… con trai của tôi lúc đó đâu có biết trong tim chị tôi, màu tím muôn đời tượng trưng cho sự dịu dàng, mộng mơ của những cô gái Việt Nam và chứa đầy lãng mạn tựa thi ca và cũng là màu của sự thủy chung.
Cuộc sống đẩy đưa, màu tím tưởng đã trở thành quá khứ êm đềm trong tâm tưởng của chị tôi, cho đến một hôm chợt bừng dậy, nằm chễm chệ khoe sắc trên kệ của một tiệm Hallmark ở Hoa Kỳ.
Một chiều thứ Bảy, chị em chúng tôi rủng rỉnh với tiền lương ba cọc ba đồng ở xứ người, rủ nhau đi mua thiệp gửi về tặng bạn ở Việt Nam. Tôi còn đang mê mẫn với những món qùa be bé xinh xinh bằng sứ của bộ sưu tập “Precious Moments”, chị tôi khẽ gọi, bảo lại chọn sổ tay với chị.
Tôi ngước mắt đi theo chị đến cái kệ trưng những cuốn sổ để viết nhật ký, trên tay chị là cuốn có bìa cứng cảnh hoàng hôn mây tím rất xinh xắn thơ mộng; chị chìa cuốn nữa có hình cô gái mặc chiếc áo đầm trắng, ngồi nghiêng xõa tóc ngắm hoàng hôn sắc tím trên bãi biển, đưa cho tôi.
– An lấy cuốn này đi, không viết nhật ký thì để dành viết cái chi cũng được. Chị thấy đẹp nên mua tặng cưng đó.
Tôi còn đang ngần ngừ, thấy chị vói tay chọn thêm hai cây bút bi mực tím, mắt chị ánh lên nỗi vui mừng như vừa nhận được niềm hạnh phúc nào đó. Chị tôi với giọng reo vui khe khẽ
– Chị một cây, An một cây nha. Bút bi bên này cũng có màu tím nữa, tiện lợi ghê.
Tôi chợt ngẩn người ra và hiểu vô cùng cái màu tím của chị tôi. Chị chưa từng bớt yêu màu tím, chưa hề quên sở thích được sở hữu những món đồ mang màu tim tím chị yêu.
Tim tôi thắt lại, khoảnh khắc lòng tôi chùng quá đỗi trong sự cảm nhận sâu thẳm trong tâm hồn: chị tôi đã thiệt thòi quá nhiều, đã mất mát quá nhiều khi đúng lý ra chị phải được nhận nhiều hơn là cho.
Chắc là chị tôi đã đau lòng lắm khi nhìn chiếc áo lụa tơ tím hoa sim mà chị yêu thích theo tay người lạ mất hút ở chợ trời. Chắc chị đã lạc lõng lắm, lọng cọng lắm, những ngón tay chắc rã rời lắm khi bàn tay rời cây bút chấm mực tím học trò để bó từng lít rượu “lậu” trong bắp vế đem buôn để đổi gạo. Chắc chị đã buồn lắm khi phải ngồi kiếm tiền cho gia đình, bán từng điếu thuốc lá trên vỉa hè khi bạn chị vẫn còn ngồi trên ghế ở nhà trường. Chắc chị đã nghẹn ngào thổn thức giữa đêm khuya khi viết những dòng chữ tím thẫm trong nhật ký ngày chị nhận được tin từ chiến tuyến người lính “của chị” đã theo cát bụi ra đi mãi mãi khi chưa kịp thốt lời từ giã. Cuốn vở đầy những dòng chữ tim tím của chị sau hung tin đó, tôi không thấy chị lấy ra viết nữa. Chị ép khô vài cánh hoa-tương-tư*** trong cuốn vở rồi cất cẩn thận trong cái tủ gỗ nhỏ ở gần bàn sách và khoá lại.
Tất cả theo thời gian chìm lắng, tưởng chừng đã khuất lấp theo dòng đời nổi trôi, thế mà hôm ấy, tất cả như trở về trong một góc của tiệm Hallmark, trong cái trí đang trưởng thành, và trong nhịp đập hình như cũng đang thổn thức của tim tôi.
Chị tôi vẫn cho nhiều hơn nhận, hôm đó chị đã san sẻ sở thích yêu chuộng màu tím của chị và mong tôi đón nhận. Tôi làm sao không nhận sự san sẻ dịu dàng đó được. Tôi ngó chị tôi thật nhanh và gật đầu cầm lấy cuốn sổ cùng cây bút. Từ hôm ấy, tim tôi, mắt tôi có thêm chút sắc tím để yêu chuộng. Tối hôm đó, tôi đã trang trọng mở cuốn sổ trống có hàng kẽ mầu tím thật nhạt và bắt đầu thì thầm trên trang giấy bằng cây bút có mầu mực tím chị tôi mua tặng.
Theo chị tôi, trong tủ quần áo của tôi hiện tại đã có thêm vài chiếc áo nhã nhặn, tất nhiên là mầu tím. Áo dài cũng có màu tím tưng tiu mặc mãi. Dẫu không có giờ để viết lách thẩn thơ vớ vẩn như tôi, nhưng chị tôi vẫn luôn mãi yêu màu tím, dùng mầu mực tím khi có dịp. Và tôi, khi bạn thấy những dòng chữ tim tím này trên màn ảnh computer của bạn thì đó là mầu sắc yêu thương của tôi rất riêng dành cho chị tôi mà có.
PTL
02.10.2005
PhốBiểnĐồiTây
(*** Hoa-tương-tư: Tử La Lan còn gọi trại ra là hoa păng-xê từ tên bằng tiếng Anh, Pansy.)